Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã và đang đẩy mạnh hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ nhằm xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua các nhiệm vụ KH&CN, đặc biệt là các nhiệm vụ thuộc Chương trình KH&CN cấp quốc gia. Qua đó, góp phần thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt vào thực tiễn cuộc sống.
Đó là thông tin được ông Lê Tài Dũng, Phó Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước, Bộ KH&CN chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Thực trạng phát sinh và quản lý chất thải rắn sinh hoạt vùng Đồng bằng sông Cửu Long và định hướng công nghệ xử lý” diễn ra ngày 22/10/2024 tại Cần Thơ.
Hội thảo do Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước phối hợp với Vụ KH&CN các ngành kinh tế – kỹ thuật, Ban Chủ nhiệm Chương trình KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ phát triển ngành công nghiệp môi trường”, mã số KC.06/21-30 tổ chức, nhằm giới thiệu mục tiêu, nội dung, định hướng chủ yếu của Chương trình đến năm 2030 cũng như trao đổi và thảo luận về thực trạng phát sinh và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhu cầu công nghệ để xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Qua đó tìm kiếm, hỗ trợ các tổ chức KH&CN, các trường đại học, các doanh nghiệp, các nhà khoa học trên cả nước xây dựng các đề xuất nhiệm vụ KH&CN cũng như ứng dụng chuyển giao công nghệ.
Toàn cảnh Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Tài, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế – kỹ thuật, Bộ KH&CN cho biết, trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt, việc lựa chọn công nghệ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: khối lượng phát thải, tính chất, thành phần, độ ẩm cao, lẫn nhiều tạp chất, phân loại đầu nguồn chưa tốt… do đó công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với Việt Nam phải khắc phục được những nhược điểm trên và có giá thành đầu tư phù hợp, quy mô xử lý cụ thể của mỗi địa phương.
Theo ông Nguyễn Tiến Tài, cần áp dụng tối đa xu thế công nghệ tái chế, tái sử dụng và tận dụng năng lượng, tài nguyên từ chất thải rắn sinh hoạt. Vấn đề quan trọng là các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt cần bảo đảm được vận hành đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ môi trường, bảo đảm tính khả thi về hiệu quả đầu tư và tính bền vững.
Bộ KH&CN đã và đang đẩy mạnh hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ thông qua các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; tăng cường thực hiện việc thẩm định, có ý kiến về công nghệ đối với các dự án đầu tư; thẩm định các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải rắn sinh hoạt; ban hành các tiêu chuẩn quốc gia liên quan chất thải rắn sinh hoạt; hoạt động liên quan sở hữu trí tuệ góp phần thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt vào thực tế.
Ông Nguyễn Tiến Tài, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế – kỹ thuật phát biểu khai mạc Hội thảo.
Thay mặt Ban chủ nhiệm, GS.TS. Huỳnh Trung Hải – Chủ nhiệm Chương trình đã trao đổi về mục tiêu, nội dung và dự kiến sản phẩm của Chương trình KC.06/21-30. Theo đó mục tiêu về KH&CN của Chương trình nhằm giải mã, làm chủ và phát triển được các công nghệ tiên tiến xử lý chất thải; từng bước thiết kế và chế tạo các dụng cụ, thiết bị, các giải pháp quan trắc, cảnh báo tự động chất lượng môi trường công nghiệp và đời sống; chủ động sản xuất các máy móc, thiết bị trong ngành công nghiệp môi trường…
Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã đánh giá thực trạng chất thải rắn sinh hoạt tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; giới thiệu các giải pháp công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã và đang áp dụng tại Việt Nam cũng như chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm trong công tác quản lý xử lý chất thải rắn sinh hoạt để các tỉnh có thể xem xét, cân nhắc lựa chọn các giải pháp công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo.
Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học hoạt động trong lĩnh vực môi trường nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp môi trường tại Việt Nam. Trong đó, chú trọng đến phát triển lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ tiềm năng mà doanh nghiệp Việt Nam có khả năng cạnh tranh để tập trung nguồn lực KH&CN nhằm nâng cao giá trị, chất lượng của các sản phẩm trong nước; hỗ trợ nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao các công nghệ xử lý, công nghệ chế tạo thiết bị, sản phẩm từ nước ngoài vào Việt Nam đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao; đẩy mạnh liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp, có sự điều phối, hỗ trợ của Nhà nước trong hoạt động nghiên cứu KH&CN phục vụ bảo vệ môi trường…
Các đại biểu chụp ảnh tại Hội thảo.
Tại Quyết định số 192/QĐ-TTg ngày 13/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025″ đã giao Bộ KH&CN và Bộ Công Thương thực hiện Chương trình KH&CN cấp quốc gia phục vụ phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2025. Theo đó, ngày 14/7/2022, Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định số 1251/QĐ-BKHCN phê duyệt Chương trình KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ ngành công nghiệp môi trường” giai đoạn 2021-2030, mã số KC.06/21-30.
Mục tiêu của Chương trình KC.06/21-30 nhằm hỗ trợ các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường ứng dụng và phát triển được các công nghệ tiên tiến xử lý, tái chế chất thải, quan trắc môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu hướng của thế giới; Làm chủ và phát triển công nghệ chế tạo được thiết bị, phương tiện, sản phẩm phục vụ xử lý chất thải, bảo vệ môi trường đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, Chương trình sẽ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp môi trường, sản xuất thiết bị, phương tiện và sản phẩm bảo vệ môi trường quy mô công nghiệp để thay thế nhập khẩu.
|
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước