Chế phẩm BIORA do Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số Hà Tĩnh nghiên cứu, sản xuất và đã được cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn theo TCVN 6168:2002. Dự án “Xây dựng mô hình xử lý phụ phẩm sau thu hoạch trên đồng ruộng trong sản xuất lúa tại Hà Tĩnh” bằng chế phẩm sinh học BIORA không chỉ mang lại lợi ích kinh tế và môi trường trước mắt, mà còn tạo tiền đề để Hà Tĩnh từng bước mở rộng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, tuần hoàn.
Thời gian qua, Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh triển khai Dự án khoa học và công nghệ: “Xây dựng mô hình xử lý phụ phẩm sau thu hoạch trên đồng ruộng trong sản xuất lúa tại Hà Tĩnh” bằng chế phẩm sinh học BIORA với quy mô 150 ha tại 3 huyện Đức Thọ, Thạch Hà và Kỳ Anh trong hai vụ Đông Xuân 2024 và Hè Thu 2025.
Cán bộ Trung tâm KHCN&CĐS, cán bộ xã Thạch Xuân cùng người dân tham dự buổi tập huấn sử dụng chế phẩm BIORA
Trong nhiều năm qua, tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch đã trở thành một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, suy thoái đất và phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp. Trước thực trạng này, Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số Hà Tĩnh đã hướng đến ứng dụng chế phẩm sinh học BIORA – một sản phẩm nghiên cứu nội tỉnh – nhằm phân hủy gốc rạ ngay tại ruộng, bổ sung dinh dưỡng hữu cơ cho đất, cải tạo độ phì và giảm chi phí sản xuất.
Đ/c Lê Cao Anh – Trường phòng Hành chính, tổng hợp và Thị trường, Trung tâm KHCN&CĐS Hà Tĩnh – Chủ nhiệm dự án
Dự án xây dựng mô hình sử dụng chế phẩm BIORA xử lý trực tiếp rơm rạ trên diện tích 300ha, gồm 150ha vụ Đông Xuân 2024 và 150ha vụ Hè Thu 2025. Áp dụng trên địa bàn huyện Đức Thọ 100ha (mỗi vụ 50ha), huyện Kỳ Anh 100ha (mỗi vụ 50ha) và huyện Thạch Hà 100ha (mỗi vụ 50ha), đồng thời áp dụng tại các vùng sản xuất lúa tập trung, có điều kiện tích tụ ruộng đất, cơ giới hóa cao.
Đồng chí Dương Xuân Tùng – Phó chủ tịch UBDN xã Thạch Xuân trao đổi trong buổi tập huấn
Dự án tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho 662 lượt người tham gia là các hộ dân, hợp tác xã thực hiện mô hình, cán bộ chuyên môn cấp huyện, xã; cán bộ thôn, các hộ dân trong vùng thực hiện dự án và vùng cận phụ có nhu cầu tập huấn. Thông qua các lớp tập huấn, nhằm đánh giá hiệu quả mô hình, từ đó đề xuất phương án nhân rộng trên toàn tỉnh.
Cán bộ Trung tâm KH,CN và CĐS phối hợp với công chức xã và trưởng thôn Phú Minh, xã Kỳ Phú cấp phát chế phẩm BIORA cho người dân
Đến nay, xã Lâm Trung Thuỷ, huyện Đức Thọ đã và đang phối hợp với Trung tâm KHCN&CĐS với quy mô 229 hộ tại 02 thôn Trung Thành và Hoà Bình, tổng diện tích là 50ha/vụ; Xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh với quy mô 233 hộ tại thôn Phú Minh, tổng diện tích là 50,16 ha/vụ; 177 hộ tại 03 thôn Đồng Sơn, Tân Thanh và Đông Sơn xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà, tổng diện tích là 50,56 ha/vụ. Thời gian xây dựng mô hình là 02 vụ gồm: Đông Xuân 2024 và Hè Thu 2025.
người dân lắng nghe, tiếp nhận và áp dụng trong sản xuất
Chế phẩm BIORA do Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số Hà Tĩnh nghiên cứu, sản xuất, đã được cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn theo TCVN 6168:2002. Chế phẩm gồm các chủng vi sinh vật có khả năng phân hủy mạnh cellulose, hỗ trợ phân hủy gốc rạ ngay tại ruộng nhanh, mạnh mà không cần cắt gốc. Bên cạnh đó, chế phẩm bổ sung các vi sinh vật đối kháng phòng bệnh cây trồng, cải tạo đất trồng, đối kháng mầm bệnh và giảm nhu cầu phân bón hóa học.
Chế phẩm sinh học BIORA – Giải pháp tối ưu phân hủy rơm, gốc rạ tại đồng ruộng
Việc sử dụng chế phẩm sinh học BIORA trong sản xuất lúa tại Hà Tĩnh bước đầu có thể chưa tạo ra lợi nhuận vượt trội so với phương pháp canh tác thông thường. Tuy nhiên, tính bền vững của BIORA thể hiện rõ qua hiệu quả tích lũy theo thời gian. Với cơ chế phân hủy trực tiếp gốc rạ ngay tại ruộng, chế phẩm giúp tạo ra nguồn phân hữu cơ tại chỗ từ phụ phẩm nông nghiệp, thay thế một phần chi phí phân bón hóa học. Đồng thời, hệ vi sinh vật hữu ích trong BIORA giúp cải tạo đất, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, tăng khả năng giữ dinh dưỡng, hạn chế rửa trôi và cải thiện kết cấu đất. Nhờ đó, cây lúa phát triển khỏe, đẻ nhánh tốt, chống chịu sâu bệnh cao hơn, giảm đáng kể chi phí thuốc bảo vệ thực vật và công lao động. Việc duy trì sử dụng chế phẩm còn tạo điều kiện chuyển dần sang canh tác tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao năng suất lúa theo hướng ổn định, bền vững.
Buổi tập huấn tại thôn Phú Minh, xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh
Về mặt xã hội và môi trường, mô hình ứng dụng BIORA đã mở ra hướng đi mới trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hà Tĩnh. Việc xử lý phụ phẩm sau thu hoạch bằng chế phẩm vi sinh không chỉ giúp giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm không khí mà còn nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường. Các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề đã góp phần giúp người dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn sản xuất. Sau thời gian áp dụng, chất lượng đất trồng lúa được cải thiện rõ rệt, giảm nhu cầu phân bón vô cơ và số lần phun thuốc trừ sâu, góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng, đồng thời bảo tồn hệ sinh thái đồng ruộng. Thành công của mô hình cũng là nền tảng để Hà Tĩnh từng bước nhân rộng sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ trên quy mô lớn hơn trong tương lai.
Chủ nhiệm dự án trao đổi với người dân thôn Trung Thành, xã Lâm Trung Thủy về kết quả sử dụng chế phẩm sinh học BIORA ở vụ Xuân
Dự án không chỉ mang lại lợi ích kinh tế và môi trường trước mắt, mà còn tạo tiền đề để Hà Tĩnh từng bước mở rộng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, tuần hoàn. Thành công của mô hình là cơ sở để lồng ghép, đề xuất chính sách hỗ trợ trong khuôn khổ Nghị quyết 51/2021-NQ-HĐND về phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh.
BBT: Linh Chi