Hà Tĩnh đẩy mạnh hoạt động tư vấn, xây dựng sản phẩm OCOP

       Thời gian qua, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Hà Tĩnh được đẩy mạnh và đã đạt được những kết quả quan trọng. Tính đến hết năm 2024, toàn  tỉnh Hà Tĩnh đã đánh giá công nhận 352 sản phẩm trong đó có 253 sản phẩm còn hiệu lực chứng nhận OCOP gồm: 7 sản phẩm 4 sao và 246 sản phẩm 3 sao.
       Đây là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Qua triển khai thực hiện, Chương trình đã tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của người dân từ chỗ “thụ động, trông chờ, ỷ lại” sang “tự lực, tự chủ, sáng tạo”.
Để đạt được kết quả nêu trên là  nhờ vào việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP đến các doanh nghiệp, HTX, các hộ sản xuất, kinh doanh, nhất là những sản phẩm thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông về Chương trình OCOP; tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm OCOP đã được công nhận, cũng như công tác hỗ trợ các chủ thể nâng cấp sản phẩm; hỗ trợ chủ thể thực hiện tư vấn hoàn thiện sản phẩm về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, hoàn thiện nhãn mác, bao bì, hồ sơ sản phẩm để đánh giá sản phẩm.
       Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số Hà Tĩnh (trước đây là Trung tâm Ứng dụng khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh, trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) là đơn vị tiên phong trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác hỗ trợ tư vấn các chủ thể tham gia chương trình OCOP hoàn thiện quy trình quản lý chất lượng như nhãn mác, bao bì hồ sơ…. đạt tiêu chuẩn OCOP.

.

Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số Hà Tĩnh  là đơn vị sự nghiệp công lập,
trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, có trụ sở đóng tại địa chỉ số 81, đường Ngô Quyền, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

       Từ năm 2019 tới nay, Trung tâm đã tiến hành hỗ trợ tư vấn thành công cho 40 sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 01 sản phẩm đạt OCOP 4 sao.


Cán bộ Trung tâm Khoa học ,Công nghệ và Chuyển đổi số  đang tư vấn cho HTX Nhất Ninh (Thị xã Kỳ Anh)
hoàn thiện quy trình quản lý chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn OCOP


Sản phẩm nước mắm Nhất Ninh đạt OCOP 4 sao tỉnh Hà Tĩnh.

       Để đưa sản phẩm đạt các tiêu chuẩn OCOP, ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm, các hộ kinh doanh, HTX cần chú ý  hoàn thiện quy trình quản lý chất lượng như nhãn mác, bao bì hồ sơ, cũng như tăng cường công tác giới thiệu quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại…. Đó là yếu tố góp phần tạo nên một sản phẩm OCOP hội tụ các yếu tố “tự lực, tự chủ, sáng tạo” có chỗ đứng trên thị trường và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
        Thực hiện công tác này, Trung tâm sẽ cử cán bộ trực tiếp đến tại các cơ sở sản xuất để kiểm tra quy trình sản xuất, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, hồ sơ sản phẩm… Từ đó, giúp các đơn vị khắc phục những hạn chế thiếu sót đáp ứng các tiêu chuẩn, quy trình công nghệ, nâng cao về chất lượng sản phẩm, từng bước thay đổi mẫu mã đáp ứng với thị hiếu của người tiêu dùng, nâng cao doanh số bán hàng. Điển hình có những sản phẩm tăng 2-3 lần so với trước khi tham gia Chương trình OCOP.
       Vừa qua, tại Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Hương Sơn đợt 2, năm 2025 (ngày 09/6/2025), nhung hươu Hương Sơn – Pantotrichum HS do Trung tâm Khoa học Công nghệ và Chuyển đổi số trực tiếp làm đơn vị tư vấn là một trong ba sản phẩm (bao gồm: Nhung hươu Hương Sơn – Pantotrichum HS, do HTX dịch vụ và chăn nuôi Sơn Diệm (thôn Yên Long, xã Quang Diệm) sản xuất; bột nhung hươu Viet Gold, cao xương hươu Viet Gold do Công ty CP Sản xuất & Thương mại Nhung hươu) đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.


Nhung hươu Hương Sơn – Pantotrichum HS được đánh giá lần đầu do
Trung tâm Khoa học Công nghệ và Chuyển đổi số trực tiếp làm đơn vị tư vấn đạt sản phẩm OCOP 3 sao


Cán bộ Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số tham gia hỗ trợ tư vấn sản phẩm
tại Hội đồng
đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Hương Sơn.

       Tư vấn cho các chủ thể OCOP trong việc hoàn thiện quy trình quản lý chất lượng, nhãn mác, bao bì và hồ sơ sản phẩm không chỉ là yêu cầu bắt buộc để đạt chuẩn, mà còn là yếu tố sống còn giúp sản phẩm nâng tầm, phát triển thị trường và đóng góp cho sự thành công lâu dài của chương trình OCOP.
Chất lượng là yếu tố cốt lõi để đánh giá, xếp hạng sản phẩm trong chương trình OCOP. Việc tư vấn giúp các chủ thể hiểu và áp dụng đúng quy trình sản xuất, kiểm soát nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến, bảo quản,…
       Tư vấn giúp thiết kế nhãn mác đúng quy định, đầy đủ thông tin về sản phẩm, nguồn gốc, hạn sử dụng, thành phần,… theo luật định. Bao bì đẹp, chuyên nghiệp giúp nâng cao hình ảnh sản phẩm, thu hút người tiêu dùng, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Tư vấn giúp xây dựng hồ sơ minh bạch, đầy đủ tài liệu về nguồn gốc nguyên liệu, quy trình sản xuất, kiểm nghiệm sản phẩm,… Hồ sơ rõ ràng giúp tăng độ tin cậy với người tiêu dùng, đối tác và các cơ quan quản lý nhà nước. Khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP và được đầu tư đúng về quy cách, chất lượng, bao bì, nhãn mác, cơ hội đưa sản phẩm vào siêu thị, sàn thương mại điện tử, thậm chí là xuất khẩu sẽ cao hơn.


Bao bì nhãn mác, câu chuyện sản phẩm… là những yếu tố tạo nên thương hiệu cho sản phẩm OCOP

       Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng sản phẩm giúp tăng giá trị sản phẩm nông thôn, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững theo đúng mục tiêu của chương trình OCOP.
       Với sự nỗ lực cố gắng của người dân, cộng đồng người sản xuất, đơn vị tư vấn cùng với sự chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng bộ và Chính quyền các cấp, tin tưởng rằng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm ở Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả cao hơn, rõ nét hơn, thật sự làm trụ cột cho phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng tỉnh Hà Tĩnh sớm trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng sản phẩm OCOP nói riêng và nông thôn mới nói chung.
“Phạm Phương – Tùng Như”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0917554678

Chat With Me on Zalo