Nhung hươu Hương Sơn tiềm năng lớn nâng tầm giá trị

Ngày 27/3, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ chế biến sâu nhung hươu Hương Sơn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm”.

Hội thảo nhằm đánh giá tiềm năng, lợi thế của nhung hươu Hương Sơn, đồng thời đề xuất giải pháp phát triển bền vững ngành chăn nuôi và chế biến nhung hươu.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo.

Nhằm thúc đẩy kinh tế và nâng cao đời sống người dân, Hà Tĩnh tập trung phát triển kinh tế dựa trên khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương, gắn kết với liên kết vùng; trong đó, phát huy các sản phẩm đặc sản, chủ lực đóng vai trò quan trọng. Hội thảo nhằm hệ thống hóa các nghiên cứu khoa học về nhung hươu trong nước và quốc tế, từ đó định hướng nghiên cứu, kế thừa và hoàn thiện cơ sở khoa học về giá trị dinh dưỡng, dược lý của sản phẩm.

Hội thảo khẳng định và làm rõ giá trị, tính ứng dụng của nhung hươu, khẳng định công trình nghiên cứu, phát triển của Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Đây là cơ hội để Hà Tĩnh quảng bá thương hiệu chỉ dẫn địa lý nhung hươu Hương Sơn, thúc đẩy đầu tư và chuyển giao công nghệ chế biến sâu sản phẩm từ nhung hươu.

Khai mạc hội thảo ông Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh, hội thảo khoa học là cơ hội để Hà Tĩnh tiếp nhận nhiều sáng kiến, giải pháp thiết thực cho nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến sâu nhung hươu. Mục tiêu hướng đến là đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị, phát triển thị trường tiêu thụ và tiến tới xuất khẩu.

Tại hội thảo có 14 tham luận với hàm lượng khoa học cao đã đánh giá khái quát về tiềm năng lợi thế phát triển chăn nuôi hươu và chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu; trong đó, có tham luận “Tổng quan về nghiên cứu phát triển, sử dụng Nhung hươu trên thế giới và Việt Nam. Xu hướng phát triển bền vững” của Phó giáo sư Nguyễn Duy Thuần, nguyên Phó giám đốc Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam; tham luận “Một số kết quả nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế về thành phần, tác dụng của nhung hươu đối với dinh dưỡng, sức khỏe của con người và định hướng sản phẩm” của Giáo sư Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam và tham luận “Nhung hươu – Một vị thuốc quý trong y học cổ truyền” của Tiến sĩ Đỗ Thế Lộc, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Đông y Việt Nam.

Các tham luận tại hội thảo đã đánh giá tiềm năng, lợi thế của nhung hươu Hương Sơn, đồng thời đề xuất giải pháp phát triển bền vững ngành chăn nuôi và chế biến nhung hươu. Ông Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, hội thảo cho thấy rõ giá trị và tiềm năng của sản phẩm nhung hươu rất lớn và còn rất nhiều dư địa để nghiên cứu, củng cố, phát triển sản phẩm nhung hươu Hương Sơn một cách bền vững, hướng tới xây dựng thành sản phẩm quốc gia, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội.

Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu Lãnh đạo tỉnh triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để khai thác các giá trị từ nhung hươu; hỗ trợ chuyển giao công nghệ chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao giá trị của nhung hươu Hương Sơn; tăng cường xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nhung hươu thông qua công tác phát triển chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ.

Ở Việt Nam hiện nay, có trên 15 tỉnh chăn nuôi hươu với gần 70.000 con; trong đó, tỉnh Hà Tĩnh có số lượng đàn hươu sao lớn nhất cả nước, riêng huyện Hương Sơn có tổng đàn trên 44.600 con, cho sản lượng nhung trên 17,65 tấn với giá trị trên 194 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cùng đại biểu tham quan các gian hàng tại Hội thảo.

Nhung hươu có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao, nhưng ngành chăn nuôi hươu ở Hà Tĩnh phát huy chưa xứng tầm, chưa khai thác hết tiềm năng, giá trị của sản phẩm, do chủ yếu được tiêu thụ dưới dạng sản phẩm thô (nhung tươi, sấy khô, bột nhung hươu…) chưa ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để chế biến sâu, nâng cao giá trị.

Với sự phong phú, đa dạng về nguồn thức ăn và giá trị mang lại của nhung hươu, hiện nay nghề chăn nuôi hươu sao tại Hà Tĩnh đã và đang phát triển mạnh mẽ; ngoài địa bàn huyện Hương Sơn, một số địa phương đã phát triển chăn nuôi hươu như: Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ.

Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ chế biến sâu nhung hươu Hương Sơn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm” là một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước ngoặt mới trong phát triển ngành nuôi hươu và chế biến các sản phẩm từ nhung hươu tại tỉnh Hà Tĩnh.

Tin, ảnh: Công Tường (TTXVN)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0917554678

Chat With Me on Zalo