Hiện nay xử lý môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp đang là vấn đề rất đáng quan tâm và là mục tiêu lâu dài của ngành chăn nuôi, trồng trọt… đây cũng chính là mục tiêu chiến lược trong việc bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân, đưa kinh tế ngày càng phát triển.
Chính vì vậy, trong những năm qua Hà Tĩnh đã ứng dụng khoa học công nghệ (KH&CN) vào sản xuất nông nghiệp nhằm bảo vệ môi trường cũng như nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng trao tặng men vi sinh, dụng cụ phân loại và ủ phân hữu cơ tại gia cho bà con nông dân
Đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có tỷ lệ sản xuất nông nghiệp cao, đời sống của bà con nhân dân phụ thuộc vào nông nghiệp còn khá lớn, đi kèm theo đó hình thức nuôi gia súc, gia cầm theo nông hộ còn nhiều tại các khu dân cư, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường rất khó kiểm soát. Chính vì vậy việc đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào trong trồng trọt, chăn nuôi được các cấp các ngành hết sức quan tâm, bà con nông dân nhiệt tình ủng hộ.
Đứng trước tình trạng người dân sản xuất nông nghiệp truyền thống sử dụng bừa bãi các hóa chất trong nông nghiệp, chất thải trong chăn nuôi không được xử lý làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm, sức khỏe, năng suất và nguy hại đến môi trường. Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Hà Tĩnh đã tổ chức thực hiện nhiều dự án sản xuất thử nghiệm để chuyển giao và nhân rộng cho người dân. Các đề tài đã bám sát tình hình thực tế và nhu cầu của người dân, mang lại hiệu quả rõ rệt trong sản xuất cũng như đời sống. Đề án ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất phân hữu cơ vi sinh đã mang lại kết quả đáng ghi nhận. Đến thời điểm hiện tại, các loại chế phẩm sinh học như Hatimic, Hatibio… do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Hà Tĩnh nghiên cứu, sản xuất đã thực sự góp phần mang lại năng suất cho cây trồng, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất.
Trang trại gà hơn 10 vạn con của hộ dân Nguyễn Văn Nguyên sạch sẽ không mùi hôi thối nhờ sử dụng công nghệ khoa học men vi sinh trong xử lý môi trường
Sản phẩm phân hữu cơ vi sinh sản xuất từ chế phẩm Hatimic đã được sử dụng để bón cho lúa, lạc, các loại rau màu cho kết quả tốt, trồng lạc thâm canh tại huyện Hương Sơn; trồng lúa tại huyện Thạch Hà, Can Lộc, Đức Thọ, Cẩm Xuyên. Kết quả cho thấy sử dụng phân hữu cơ vi sinh giúp có thể thay thế được toàn bộ phân chuồng theo quy trình, tiết kiệm được từ 15 – 20% phân hóa học mà vẫn đạt được năng suất tương đương hoặc cao hơn từ 5-10% so với đối chứng. Đặc biệt việc ứng dụng chế phẩm sản xuất phân bón cho mô hình trồng rau an toàn tại xã Tượng Sơn huyện Thạch Hà từ năm 2011 đến nay đã góp phần xây dựng nên thương hiệu rau an toàn Tượng Sơn, kết quả đạt năng suất cao hơn 10 – 15%, tiết kiệm được phân hóa học và hạn chế được bệnh héo gốc, thối cổ rễ trên rau ở giai đoạn đầu; Hiện nay, một số công ty, cơ sở tại Hà Tĩnh đã sử dụng chế phẩm Hatimic để sản xuất phân bón từ phế thải của các trang trại chăn nuôi, than bùn, bèo, phụ phẩm nông nghiệp… cung cấp các loại phân bón hữu cơ vi sinh chất lượng.
Bên cạnh chế phẩm Hatimic được ứng dụng vào sản xuất phân bón, chế phẩm Hatibio đã được ứng dụng vào để xử lý môi trường hiệu quả, các nhà máy xử lý rác (nhà máy xử lý rác Phú Hà, Kỳ Tân, Kỳ Anh), bãi tập kết rác thải (huyện Đức Thọ, Hương Sơn, Can Lộc..) và trên 3.000 trang trại, hộ chăn nuôi đã sử dụng chế phẩm để xử lý mùi hôi rác thải sinh hoạt, công trình chăn nuôi, nước thải chăn nuôi, nước thải sinh hoạt. Góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Người dân xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng các chế phẩm sinh học hạn chế ô nhiễm môi trường tạo phân bón hữu cơ trong nông nghiệp
Trao đổi với Pv moitruong.net.vn, bà Dương Thị Ngân Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Hà Tĩnh cho biết: “Ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp hiện nay là một thực trạng rất nhức nhối. Để thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm hóa chất trong sản xuất nông nghiệp cũng như xử lý triệt để chất thải trong chăn nuôi là một trong những điều trăn trở của chúng tôi. Vì vậy nhằm giúp bà con hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, qua nhiều đề tài nghiên cứu, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Hà Tĩnh đã thành công nghiên cứu ra các sản phẩm chế phẩm sinh học giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường cho bà con. Hiện nay 13 huyện, thị xã, thành phố đã sử dụng chế phẩm Hatimic Hatibio…trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh; xử lý môi trường trong chăn nuôi”.
Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp
Nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn là quá trình sản xuất nông nghiệp kết hợp giữa truyền thống và các tiến bộ khoa học – kỹ thuật cùng những phương pháp quản lý hiện đại theo chu trình khép kín. Các chất thải, phế phẩm, phụ phẩm của quá trình sản xuất này lại làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất khác để tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, tăng thu nhập cho người sản xuất.
Các nông trại chăn nuôi được xử lý chế phẩm sinh học chuồng trại giảm thải mùi hôi thối
Để đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất nông nghiệp, tạo thói quen lành mạnh cho bà con mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường sống, các cấp các ngành ở Hà Tĩnh đã tăng cường chỉ đạo và có nhiều hình thức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn chuyển giao công nghệ…đặc biệt là các cấp hội, đoàn thể, trong đó Hội Liên hiệp phụ nữ luôn đi đầu trong các phong trào để hướng dẫn cho các hội viên trực tiếp sản xuất nông nghiệp sạch.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN và Văn phòng điều phối NTM, Chi cục Môi trường thực hiện thành công Đề tài Khoa học “Đồng bộ hóa quản lý và kỹ thuật trong thu gom phân loại xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt” năm 2019 – 2020. Trong đó có ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải. Kết quả đề tài đã được Hội đồng KHCN tỉnh Hà Tĩnh nghiệm thu đánh giá đạt xuất sắc, được Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương đánh giá cao về cách làm sáng tạo và hiện nay tiêu chí thu gom phân loại xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt đã trở thành 1 trong những tiêu chí cứng trong Đề án tỉnh NTM giai đoạn 2021 – 2025.
Cánh đồng rau xanh mướt chất lượng cao của bà con nông dân khi sử dụng các chế phẩm sinh học trong trồng trọt
Trao đối với PV, bà Nguyễn Thị Việt Hà – Chủ tịch Hội Liên hiệp hụ nữ Hà Tĩnh cho biêt “ Để nâng cao chất lượng sống và bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, Hội LHPL Hà Tĩnh đã tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tích cực ứng dụng các chế phẩm sinh học trong tái xử lý phụ phẩm nông nghiệp và rác thải sinh hoạt làm phân bón (qua số liệu thống kê kết quả sản xuất và tiêu thụ chế phẩm Hatimic tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN trong nhiệm kỳ 2016 – 2020 cho các cơ sở HTX nông nghiệp, môi trường và các hộ dân tại 13 huyện, thị xã, thành phố tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp và rác thải thải sinh hoạt làm phân bón đạt xấp xỉ 400.000 gói (sản xuất được xấp xỉ 200.000 tấn phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp. Giúp tiết kiệm được xấp xỉ 150 tỷ đồng tiền mua phân bón). Cùng với đó, nhiều chế phẩm sinh học cũng đã được ứng dụng rộng rãi trong xử lý môi trường chăn nuôi (đệm lót sinh học, xử ý mùi hôi, xử lý chất thải), trong phòng trừ sâu bệnh hại và trong bảo quản chế biến cũng đã được chị em phụ nữ mạnh dạn ứng dụng, vừa tăng hiệu quả kinh tế, vừa giảm chi phí sử dụng hóa chất, vừa bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng”.
Hố phân hữu cơ sau khi được ủ từ rác thải nông nghiệp ủ cùng men vi sinh được dùng bón ruộng
Về xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà, Hà Tĩnh, chúng tôi thấy những cánh đồng rau xanh mướt, được biết những cánh đồng rau như thế này mang lại thu nhập từ 500 ngàn đồng/ngày/hộ dân, và điều đặc biệt hơn nữa đây là những cánh đồng rau hữu cơ sử dụng hoàn toàn các chế phẩm sinh học từ khâu làm đất đến chăm bón ra thành phẩm. Ngay trên cánh đồng, bà con cho xây dựng những hố ủ phân hữu cơ từ rác thải, những chất thải hữu cơ trong nông nghiệp được tập kết tại các hố ủ phần cùng một lượng men vi sinh theo quy định. Sau một thời gian các loại rác thải này sẽ trở thành phân hữu cơ để bón cho đồng ruộng.
Phó chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương, ông Trần Văn Cường cho biết: “Xã chúng tôi có khoãng 4000 hộ dân, trong đó hơn 3000 hộ là sản xuất nông nghiệp, toàn xã có khoãng 1500 con trâu bò và nhiều nông hộ chăn nuôi lợn. Chính vì vậy vấn đề môi trường trong nông nghiệp rất đáng lo ngại một phần vì ý chức người dân, một phần vì thói quen sản xuất nông nghiệp truyền thống. Để cải thiện vấn đề này, đồng thời được sự quan tâm của Sở TNMT, Trung tâm Ứng dụng KHCN, chương trình nông thôn mới….đã hỗ trợ chính quyền và bà con chúng tôi trong việc đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật, tổ chức tập huấn sử dụng các chế phẩm sinh học, men vi sinh để cải tao đồng ruộng, ủ phân hữu cơ, xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi…Hiện nay người dân đã dần hình thành thói quen dùng men vi sinh trong sản xuất nông nghiệp để tạo dựng nền nông nghiệp sạch, bền vững, bảo vệ môi trường, vừa đáp ứng được năng suất chất lượng, vừa giảm chi phí trong sản xuất”.
Những hố ủ phân đúng quy cách được xây dựng trên những cánh đồng cho bà con thu gom chất thải nông nghiệp, tiến hành ủ phân hữu cơ
Ông Lê Văn Hưng – thôn La Xá, xã Tân Lâm Hương cho biết “Gia đình tôi có 2 mẫu ruộng trồng rau, trước đây chúng tôi dùng các sản phẩm phân bón hóa học để phục vụ trong sản xuất nông nghiệp nhưng năng suất không cao, giá thành lại thấp. Mấy năm gần đây được các cấp các ngành, Trung tâm ứng dụng KHKT của tỉnh về tập huấn, hướng dẫn sử dụng các chế phẩm sinh học trong trồng trọt chăn nuôi, gia đình tôi đã áp dụng thành công và nhận thấy từ khi áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, cây trồng phát triển nhanh, giảm sâu bệnh, rác thải hữu cơ được ủ thành phân để bón ruộng vừa bảo vệ môi trường, vừa giảm chi phí mà giá thành sản phẩm lại nâng cao”.
Anh Nguyễn Văn Nguyên chủ trang trại gà ở xã Lưu Vĩnh Sơn cho biết: “Tôi xây dựng trại gà này với số lượng hơn 10 vạn con, trước đây khi chưa sử dụng các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi lượng phân gà thải ra khá lớn bốc mùi hôi thối ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của traị cũng như bà con xung quanh, không những thế gà thường hay nhiễm các loại bệnh, năng suất không cao, các chi phí phát sinh khá lớn. Tuy nhiên thời gian gần đây tôi có được đi tập huấn hướng dẫn thực hiện nuôi gà sạch bằng các chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường. Được tiếp cận khoa học, và được hướng dẫn trực tiếp từ các các bộ của Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật đưa các chế phẩm sinh học, đệm lót trong chăn nuôi…vì vậy đã khắc phục tối ưu tình trạng mùi hôi thối, gà ít nhiễm bệnh hơn, chất lượng, giá thành tốt hơn. Chị thấy đấy, vào trại nhiều gà thế này mà có mùi gì đâu?”
Chị em hội viên Hội phụ nữ sử dụng men vi sinh trong việc ủ phân bảo vệ môi trường, hướng đến nền nông nghiệp sạch
Việc đưa ứng dụng KHKT vào trong chăn nuôi, trồng trọt ở Hà Tĩnh trong những năm gần đây đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong bảo vệ môi trường, hướng đến nền nông nghiệp sạch. Sự đồng hành của các cấp chính quyền địa phường, đặcbiệt là Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật với những chế phẩm sinh học, hữu cơ trong công tác xử lý môi trường đã cầu nối để đưa các tiến bộ khoa học công nghệ đến với thực tiễn sản xuất, nâng cao đời sống của người dân Hà Tĩnh. Từ những thành quả này đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường, sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng hữu cơ, giảm chi phí trong sản xuất nhờ tiết kiệm phân bón và thuốc BVTV hóa học trong thời bão giá phân bón hiện nay.
Theo: Ngọc Trâm _Moitruong.net.vn